1. Đánh giá chung
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng đạt 54,32 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 26,55 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước (tương ứng giảm 3,1 tỷ USD); nhập khẩu đạt 27,77 tỷ USD, giảm 2,4% (tương ứng giảm 682 triệu USD).
Trong 4 tháng/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 208,25 tỷ USD, tăng 30,7% với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6%, tương ứng tăng 23,94 tỷ USD và nhập khẩu đạt 103,31 tỷ USD, tăng 31,8%, tương ứng tăng 24,92 tỷ USD.
Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,22 tỷ USD. Tính trong 4 tháng/2021, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 1,63 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đạt 37,29 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 4 tháng/2021 đạt 145,97 tỷ USD, tăng 34,8%, tương ứng tăng 37,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 19,41 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 4 tháng/2021 lên 78,35 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2021 đạt 17,88 tỷ USD, giảm nhẹ 1,6% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 4 tháng/2021 đạt 67,61 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2021 có mức thặng dư trị giá 1,52 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 4 tháng/2021 lên mức thặng dư trị giá 10,74 tỷ USD.
2. Thị trường xuất nhập khẩu
Trong 4 tháng/2021, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 135,05 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,9%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 43,21 tỷ USD, tăng 39,5%; châu Âu: 23,42 tỷ USD, tăng 20,6%; châu Đại Dương: 4,2 tỷ USD, tăng 32,6% và châu Phi: 2,38 tỷ USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2020.
3. Xuất khẩu hàng hóa
Xuất khẩu hàng hóa trong tháng đạt 26,55 tỷ USD, giảm 10,5% về số tương đối và giảm 3,1 tỷ USD về số tuyệt đối so với tháng 3/2021. So với tháng trước, các mặt hàng giảm trong tháng là: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 787 triệu USD, tương ứng giảm 16,8%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 781 triệu USD, tương ứng giảm 17%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 435 triệu USD, tương ứng giảm 12,4%...
Tính trong 4 tháng/2021, tổng trị giá xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6%, tương ứng tăng 23,94 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 5,39 tỷ USD, tương ứng tăng 79,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,72 tỷ USD, tương ứng tăng 30,7%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 2,81 tỷ USD, tương ứng 18,2%...
Một số nhóm hàng xuất khẩu chính
Điện thoại các loại và linh kiện: xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 4/2021 đạt trị giá 3,81 tỷ USD, giảm 17% so với tháng trước.
Tính trong 4 tháng/2021, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 18,19 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 3,96 tỷ USD, tăng mạnh 45%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 3,17 tỷ USD, tăng 6%; sang EU (27 nước) đạt 2,44 tỷ USD, giảm 13,8%... so với cùng kỳ năm trước.
Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng đạt 3,9 tỷ USD, giảm 16,8% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2021 đạt 15,85 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng/2021, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 3,92 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 3,28 tỷ USD, giảm 3,7%; sang thị trường EU (27 nước) đạt 2,18 tỷ USD, tăng 47,2%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Trong tháng 4/2021, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 3,06 tỷ USD, giảm 12,4% so với tháng trước. Với kết quả này, trong 4 tháng/2021, trị giá xuất khẩu của máy móc thiết bị điện tử và phụ tùng khác đạt 12,17 tỷ USD, tăng mạnh 79,4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 5,39 tỷ USD về số tuyệt đối.
Xuất khẩu nhóm hàng này sang ba thị trường đứng đầu đều tăng rất cao trong 4 tháng qua. Cụ thể, xuất sang Hoa Kỳ đạt 5,71 tỷ USD, tăng mạnh 157%, tương ứng tăng 3,49 tỷ USD; sang EU(27) đạt 1,61 tỷ USD, tăng mạnh 76,5%, tương ứng tăng 697 triệu USD; sang Nhật Bản đạt 856 triệu USD, tăng 30,5%, tương ứng tăng 200 triệu USD.
Hàng dệt may: Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đạt 2,46 tỷ USD, giảm 9,7% so với tháng trước. Tính trong 4 tháng/2021, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 9,66 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính trong 4 tháng/2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ 1,07 tỷ USD, giảm 9,8%; thị trường EU (27) tiêu thụ 942 triệu USD, tăng 12,8%...
Sắt thép các loại: trong tháng 4/2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,02 triệu tấn, với trị giá là 770 triệu USD, giảm 17% về lượng và giảm 14,4% về trị giá so với tháng trước.
Tính trong 4 tháng/2021, xuất khẩu nhóm hàng này đã cán mốc 3,9 triệu tấn, tăng cao tới 50,4% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 2,79 tỷ USD, tăng tới 96,3%.
Trong 4 tháng qua, sắt thép các loại chủ yếu được xuất sang hai thị trường chủ lực là ASEAN đạt 1,49 triệu tấn, tăng 2,6% và Trung Quốc đạt 893 nghìn tấn, tăng mạnh tới 86% so với cùng kỳ năm trước.
Gạo: lượng xuất khẩu trong tháng 4/2021 đạt 782 nghìn tấn, trị giá là 424 triệu USD, tăng 45,1% về lượng và tăng 45,9% về trị giá so với tháng 3/2021.
Xuất khẩu trong 4 tháng/2021 tăng 7,3% về trị giá, đạt 1,07 tỷ USD với lượng xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn, giảm 6,9%. Trong đó, lượng gạo xuất sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 35,6%, với 369 nghìn tấn; sang Ghana tăng 65,7%, với 210 nghìn tấn. Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường dẫn đầu Philippin là 716 nghìn tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Xem tiếp... bài viết gốc