Nhập mã HS hoặc nhóm mã HS hoặc từ khóa để tìm kiếm trong trang.

Phần 14: Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý, và các sản phẩm của chúng; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại

Chương 71: Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý, và các sản phẩm của chúng; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại
Chú giải.
1. Theo Chú giải 1 (A) của Phần VI và loại trừ những sản phẩm được liệt kê ở các mục dưới đây, thì tất cả các sản phẩm gồm toàn bộ hoặc từng phần bằng:
(a) Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy hoặc bằng đá quý hoặc đá bán quý (tự nhiên, tổng hợp hoặc tái tạo), hoặc
(b) Kim loại quý hoặc kim loại dát phủ kim loại quý, được phân loại trong Chương này.
2. (A) Nhóm 71.13, 71.14 và 71.15 không bao gồm các sản phẩm mà trong đó kim loại quý hoặc kim loại được dát phủ kim loại quý chỉ đóng vai trò như là thành phần phụ, chẳng hạn như các đồ đính kèm hoặc đồ trang trí phụ (ví dụ, chữ lồng, đai và viền), và mục (b) của Chú giải trên không áp dụng cho các sản phẩm này.
(B) Nhóm 71.16 không bao gồm các sản phẩm có chứa kim loại quý hoặc kim loại dát phủ kim loại quý (trừ khi chúng được coi như là thành phần phụ).
3. Chương này không bao gồm:
(a) Hỗn hống của kim loại quý, hoặc kim loại quý dạng keo (nhóm 28.43);
(b) Vật liệu khâu vô trùng trong phẫu thuật, các chất hàn răng hoặc các hàng hóa khác thuộc Chương 30;
(c) Các sản phẩm thuộc Chương 32 (ví dụ, các chất bóng);
(d) Các chất xúc tác có nền (nhóm 38.15);
(e) Các sản phẩm thuộc nhóm 42.02 hoặc 42.03 ghi trong Chú giải 3 (B) của Chương 42;
(f) Các sản phẩm thuộc nhóm 43.03 hoặc 43.04;
(g) Hàng hóa thuộc Phần XI (nguyên liệu dệt và các sản phẩm dệt);
(h) Giày dép, mũ và các vật đội đầu khác hoặc các sản phẩm khác thuộc Chương 64 hoặc 65;
(ij) Ô dù, batoong, gậy chống hoặc các sản phẩm khác thuộc Chương 66;
(k) Những sản phẩm dùng để mài mòn thuộc nhóm 68.04 hoặc 68.05 hoặc Chương 82, có chứa bụi hoặc bột đá quý hoặc đá bán quý (tự nhiên hoặc tổng hợp); các sản phẩm thuộc Chương 82 có bộ phận làm việc bằng đá quý hoặc đá bán quý (tự nhiên, tổng hợp hoặc tái tạo); máy móc, các thiết bị cơ khí hoặc hàng điện tử, hoặc các bộ phận của chúng, thuộc Phần XVI. Tuy nhiên, các sản phẩm và các bộ phận của chúng, toàn bộ bằng đá quý hoặc đá bán quý (tự nhiên, tổng hợp hoặc tái tạo) vẫn được phân loại trong Chương này, trừ đá saphia và kim cương đã được gia công nhưng chưa được gắn dùng cho đầu kim máy hát (nhóm 85.22);
(l) Các sản phẩm thuộc Chương 90, 91 hoặc 92 (dụng cụ khoa học, đồng hồ thời gian và đồng hồ cá nhân, nhạc cụ);
(m) Vũ khí hoặc các bộ phận của chúng (thuộc Chương 93);
(n) Các sản phẩm ghi trong Chú giải 2 của Chương 95;
(o) Các sản phẩm được phân loại trong Chương 96 theo Chú giải 4 của Chương đó; hoặc
(p) Các tác phẩm điêu khắc hoặc tượng tạc nguyên bản (nhóm 97.03), đồ sưu tập (nhóm 97.05) hoặc đồ cổ trên 100 năm tuổi (nhóm 97.06), trừ ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy hoặc đá quý hoặc đá bán quý.
4. (A) Khái niệm “kim loại quý” nghĩa là bạc, vàng và bạch kim.
(B) Khái niệm “bạch kim” nghĩa là platin, iridi, osmi, palladi, rodi và rutheni.
(C) Khái niệm “đá quý hoặc đá bán quý” không bao gồm bất cứ một loại nào đã được ghi trong Chú giải 2(b) của Chương 96.
5. Theo mục đích của Chương này, hợp kim bất kỳ (kể cả hỗn hợp thiêu kết và hợp chất liên kết kim loại) có chứa kim loại quý được xem như là một hợp kim của kim loại quý nếu kim loại quý đó cấu thành bằng 2% tính theo trọng lượng của hợp kim. Các hợp kim của kim loại quý được phân loại theo các quy tắc sau:
(a) Một hợp kim có chứa 2% trở lên, tính theo trọng lượng, là bạch kim thì được coi là một hợp kim của bạch kim;
(b) Một hợp kim có chứa 2% trở lên, tính theo trọng lượng, là vàng, nhưng không có bạch kim, hoặc có dưới 2% tính theo trọng lượng, là bạch kim, thì được coi là hợp kim vàng;
(c) Các hợp kim khác chứa 2% trở lên, tính theo trọng lượng, là bạc thì được coi là hợp kim bạc.
6. Trong Danh mục này, trừ khi có yêu cầu khác, khi đề cập đến một kim loại quý hoặc một kim loại quý đặc biệt cần đề cập đến cả các hợp kim đã được coi như hợp kim của kim loại quý hoặc của kim loại quý đặc biệt theo quy định đã nêu trong Chú giải 5 trên đây, nhưng không áp dụng với kim loại được dát phủ kim loại quý hoặc kim loại cơ bản hoặc phi kim loại dát phủ kim loại quý.
7. Trong toàn bộ Danh mục này khái niệm “kim loại được dát phủ kim loại quý” có nghĩa là vật liệu có nền là kim loại mà trên một mặt hoặc nhiều mặt của kim loại đó được phủ kim loại quý bằng cách hàn thiếc, hàn hơi, hàn điện, cán nóng hoặc các phương pháp bọc phủ cơ khí tương tự. Trừ khi có yêu cầu khác, thuật ngữ này cũng bao gồm kim loại cơ bản được khảm dát kim loại quý.
8. Theo Chú giải 1(A) Phần VI, các hàng hóa giống như mô tả của nhóm 71.12 được phân loại vào nhóm đó và không được xếp vào nhóm nào khác của Danh mục.
9. Theo mục đích của nhóm 71.13, khái niệm “đồ trang sức” có nghĩa là:
(a) Các đồ vật nhỏ để trang sức cá nhân (ví dụ, nhẫn, vòng đeo tay, dây chuyền, trâm cài, hoa tai, dây đồng hồ, dây đeo đồng hồ bỏ túi, mặt dây chuyền, ghim cài cà vạt, khuy cài cổ tay áo, khuy cúc khác, huy chương và phù hiệu tôn giáo hoặc huy chương và phù hiệu khác); và
(b) Các sản phẩm sử dụng cho mục đích cá nhân loại thường bỏ túi, để trong túi xách tay hoặc mang trên người (ví dụ, hộp đựng thuốc lá điếu hoặc hộp đựng xì-gà, hộp đựng thuốc lá bột, hộp đựng kẹo cao su hoặc hộp đựng thuốc viên, hộp phấn, ví tay có dây hoặc chuỗi tràng hạt).
Các sản phẩm này có thể được kết hợp hoặc là một bộ, ví dụ, với ngọc trai tự nhiên hoặc ngọc trai nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, đá quý hoặc đá bán quý tổng hợp hoặc tái tạo, mai rùa, xà cừ, ngà, hổ phách tự nhiên hoặc tái tạo, hạt huyền hoặc san hô.
10. Theo mục đích của nhóm 71.14, khái niệm “mặt hàng vàng bạc” hoặc “đồ kỹ nghệ vàng bạc” kể cả các sản phẩm như các đồ vật trang trí, bộ đồ ăn, đồ vệ sinh, đồ dùng của người hút thuốc và các sản phẩm khác sử dụng trong gia đình, văn phòng hoặc tôn giáo.
11. Theo mục đích của nhóm 71.17, khái niệm “đồ trang sức làm bằng chất liệu khác” có nghĩa là các sản phẩm trang sức như đã mô tả trong nội dung của mục (a) Chú giải 9 ở trên (nhưng không kể các loại khuy cài hoặc các sản phẩm khác thuộc nhóm 96.06, hoặc lược chải, trâm cài tóc hoặc các loại tương tự, hoặc ghim cài tóc, thuộc nhóm 96.15), không gắn ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý (tự nhiên, tổng hợp hoặc tái tạo) cũng không gắn kim loại quý hoặc kim loại dát phủ kim loại quý (trừ trường hợp tráng mạ hoặc chỉ là thành phần phụ).
Chú giải phân nhóm.
1. Theo mục đích của các phân nhóm 7106.10, 7108.11, 7110.11, 7110.21, 7110.31 và 7110.41, khái niệm “bột” và “dạng bột” có nghĩa là các sản phẩm có 90% tính theo trọng lượng trở lên lọt qua rây (sàng) có đường kính mắt rây (sàng) 0,5 mm.
2. Mặc dù đã quy định trong Chú giải 4 (B) của Chương này, nhưng theo các phân nhóm 7110.11 và 7110.19, khái niệm “bạch kim” không bao gồm iridi, osmi, paladi, rodi hoặc rutheni.
3. Theo phân loại các hợp kim trong các phân nhóm của nhóm 71.10, mỗi hợp kim được phân loại theo kim loại, bạch kim, paladi, rodi, iridi, osmi hoặc rutheni có hàm lượng trội hơn so với mỗi kim loại khác.



NỘI DUNG CHI TIẾT


Chương 71: Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý, và các sản phẩm của chúng; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại

PHẦN KẾ TIẾP…