Nhập mã HS hoặc nhóm mã HS hoặc từ khóa để tìm kiếm trong trang.








CHÚ GIẢI QUI TẮC 2 (a)
(Các mặt hàng ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện)
(I) Phần đầu của Qui tắc 2(a) đã mở rộng phạm vi của bất cứ nhóm nào liên quan tới một hàng hóa nhất định không chỉ bao gồm hàng hóa đã hoàn chỉnh mà còn bao gồm hàng hóa đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện nhưng đã có những đặc tính cơ bản của hàng đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện.
(II) Nội dung của Qui tắc này cũng được áp dụng cho phôi ngoại trừ phôi đã được xác định tại một nhóm cụ thể. Thuật ngữ “phôi” nghĩa là một mặt hàng, chưa sử dụng trực tiếp ngay được, có hình dạng hoặc phác thảo gần giống với mặt hàng hoặc bộ phận đã hoàn chỉnh và những trường hợp này chỉ được dùng để hoàn thiện thành những sản phẩm hoặc bộ phận hoàn chỉnh, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ, tạo hình dạng chai lọ bằng nhựa là sản phẩm trung gian có hình dạng ống, với một đầu đóng và một đầu mở đã được ren để vặn kín, phần bên dưới của đầu đã được ren có thể mở rộng hoặc kéo dài tới kích cỡ hoặc hình dạng mong muốn).
Bán thành phẩm chưa có hình dạng cơ bản của mặt hàng đã hoàn chỉnh (ví dụ thường là những hình ở dạng thanh, đĩa, ống…) không được gọi là “phôi”.
(III) Do phạm vi của các nhóm từ Phần I tới Phần VI, Qui tắc 2(a) thường không áp dụng đối với hàng hóa thuộc những Phần này.
(IV) Một số trường hợp áp dụng Qui tắc 2(a) được nêu tại Chú giải tổng quát của Phần hoặc Chương (ví dụ, Phần XVI, và Chương 61, 62, 86, 87 và 90).
CHÚ GIẢI QUI TẮC 2 (a)
(Các mặt hàng ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời)
(V) Phần thứ hai của Qui tắc 2(a) qui định rằng hàng hóa hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện ở dạng chưa lắp ráp hoặc dạng tháo rời được phân loại cùng nhóm với hàng hóa đó đã lắp ráp. Hàng hóa thường ở dạng này do yêu cầu hoặc sự thuận tiện cho việc đóng gói, xếp dỡ hoặc vận chuyển.
(VI) Qui tắc này cũng áp dụng với hàng hóa chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện, ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời với điều kiện những mặt hàng này được phân loại như hàng hóa đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện theo phần đầu của Qui tắc này.

(VII) Theo mục đích của Qui tắc này, “hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời” là những hàng hóa mà bộ phận của chúng sẽ được lắp ráp lại với nhau bằng các dụng cụ lắp ráp (vít, bu-lông, đai ốc, ê -cu,…), hoặc ghép bằng đinh tán hoặc bằng cách hàn lại, với điều kiện những hoạt động này chỉ đơn thuần là lắp ráp.
Không tính đến sự phức tạp của phương pháp lắp ráp. Tuy nhiên, các bộ phận cấu thành không phải trải qua bất cứ quá trình gia công nào khác để sản phẩm trở thành dạng hoàn thiện.
Những bộ phận chưa lắp ráp thừa ra về số lượng theo yêu cầu để hoàn thiện một mặt hàng thì sẽ được phân loại riêng.
(VIII) Những trường hợp áp dụng Qui tắc này được nêu trong các Chú giải tổng quát của Phần hoặc Chương (ví dụ, Phần XVI, và Chương 44, 86, 87, và 89).
(IX) Do phạm vi của các nhóm từ Phần I tới Phần VI, Qui tắc này thường không áp dụng đối với hàng hóa thuộc những Phần này.
CHÚ GIẢI QUI TẮC 2 (b)
(Hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất)
(X) Qui tắc 2(b) liên quan tới hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất, và hàng hóa bao gồm từ hai nguyên liệu hoặc hai chất trở lên. Những nhóm mà Qui tắc này đề cập tới là những nhóm liên quan đến một loại nguyên liệu hoặc chất (ví dụ, nhóm 05.07- ngà voi), và các nhóm có liên quan đến những hàng hóa được làm từ một nguyên liệu hoặc một chất nhất định (ví dụ, nhóm 45.03- các sản phẩm bằng lie tự nhiên). Chú ý rằng Qui tắc này chỉ áp dụng khi nội dung nhóm, Chú giải phần hoặc chương không có bất cứ yêu cầu nào khác (ví dụ, nhóm 15.03- dầu mỡ lợn, chưa... pha trộn).
Những hỗn hợp ở dạng chế phẩm được mô tả trong chú giải Phần hoặc Chương hoặc trong nội dung của nhóm thì phải được phân loại theo Qui tắc 1.
(XI) Qui tắc này mở rộng nhóm liên quan tới một nguyên liệu hoặc một chất cũng bao gồm hỗn hợp hoặc hợp chất của nguyên liệu hoặc chất đó với các nguyên liệu hoặc chất khác. Qui tắc này cũng mở rộng phạm vi của các nhóm hàng liên quan tới hàng hóa được làm từ một nguyên liệu hoặc một chất nhất định thì cũng bao gồm hàng hóa được làm một phần từ nguyên liệu hoặc chất đó.
(XII) Tuy nhiên, Qui tắc này không mở rộng nhóm tới mức để nhóm đó bao gồm cả mặt hàng không đáp ứng theo yêu cầu tại Qui tắc 1 và mô tả của nhóm; điều này xảy ra khi có thêm một nguyên liệu hoặc một chất khác làm mất đi đặc tính của hàng hóa đã được đề cập trong nhóm.
(XIII) Theo Qui tắc này, hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất, và hàng hóa được cấu thành từ hai nguyên liệu hoặc hai chất trở lên, nếu thoạt nhìn qua có thể phân loại vào hai hoặc nhiều nhóm khác nhau, thì phải được phân loại theo Qui tắc 3.
QUI TẮC 3
Khi áp dụng Qui tắc 2(b) hoặc vì bất cứ một lý do nào khác, hàng hóa thoạt nhìn có thể phân loại vào hai hay nhiều nhóm, thì sẽ phân loại như sau:
(a) Nhóm có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả khái quát khi thực hiện việc phân loại hàng hóa. Tuy nhiên, khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến một phần của nguyên liệu hoặc chất chứa trong hàng hóa là hỗn hợp hay hợp chất, hoặc chỉ liên quan đến một phần của hàng hóa trong trường hợp hàng hóa đó ở dạng bộ được đóng gói để bán lẻ, thì những nhóm này được coi như thể hiện đặc trưng ngang nhau về những hàng hóa nói trên, ngay cả khi một trong số các nhóm đó có mô tả đầy đủ hơn hoặc chính xác hơn về những hàng hóa đó.
(b) Những hàng hóa hỗn hợp bao gồm nhiều nguyên liệu khác nhau hoặc những hàng hóa được làm từ nhiều bộ phận cấu thành khác nhau, và những hàng hóa ở dạng bộ để bán lẻ, nếu không phân loại được theo Qui tắc 3(a), thì phân loại theo nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành tạo ra đặc tính cơ bản của chúng, trong chừng mực tiêu chí này được áp dụng.
(c) Khi hàng hóa không thể phân loại theo Qui tắc 3 (a) hoặc 3(b) nêu trên thì phân loại vào nhóm cuối cùng theo thứ tự đánh số trong số các nhóm tương đương được xem xét.
CHÚ GIẢI QUI TẮC 3
(I) Qui tắc này nêu lên 3 cách phân loại những hàng hóa mà thoạt nhìn có thể xếp vào hai hay nhiều nhóm khác nhau khi áp dụng Qui tắc 2(b) hoặc trong những trường hợp khác. Những cách này được áp dụng theo thứ tự được trình bày trong Qui tắc. Như vậy, Qui tắc 3(b) chỉ được áp dụng khi không phân loại được theo Qui tắc 3(a), và chỉ áp dụng Qui tắc 3(c) khi không phân loại được theo Qui tắc 3(a) và 3(b). Khi phân loại phải tuân theo thứ tự như sau: a) nhóm hàng có mô tả cụ thể đặc trưng nhất; b) đặc tính cơ bản; c) nhóm được xếp cuối cùng theo thứ tự đánh số.
(II) Qui tắc này chỉ được áp dụng khi nội dung các nhóm, chú giải của Phần hoặc Chương không có yêu cầu nào khác. Ví dụ, Chú giải 4(B) Chương 97 yêu cầu rằng nếu hàng hóa đồng thời vừa có trong mô tả của một trong các nhóm từ 97.01 đến 97.05, vừa đúng như mô tả của nhóm 97.06 thì được phân loại vào một trong các nhóm đứng trước nhóm 97.06. Trong trường hợp này hàng hóa được phân loại theo Chú giải 4(B) Chương 97 và không tuân theo Qui tắc 3.
CHÚ GIẢI QUI TẮC 3 (a)
(III) Cách phân loại thứ nhất được trình bày trong Qui tắc 3(a): nhóm mô tả cụ thể đặc trưng nhất được ưu tiên hơn nhóm có mô tả khái quát.
(IV) Không thể đặt ra những qui tắc cứng nhắc để xác định một nhóm hàng này mô tả hàng hóa một cách đặc trưng hơn một nhóm hàng khác, nhưng có thể nói tổng quát rằng:
(a) Một nhóm hàng chỉ đích danh một mặt hàng cụ thể thì đặc trưng hơn nhóm hàng mô tả một họ các mặt hàng (ví dụ, máy cạo râu và tông đơ có lắp động cơ điện được phân vào nhóm 85.10 mà không phải trong nhóm 84.67 là nhóm các dụng cụ cầm tay có lắp động cơ điện hoặc vào nhóm 85.09 là các thiết bị cơ điện gia dụng có lắp động cơ điện).
(b) Một nhóm nào đó được coi như đặc trưng hơn trong số các nhóm có thể phân loại cho một mặt hàng nhập khẩu là khi nhóm đó xác định rõ hơn và kèm theo mô tả mặt hàng cụ thể, đầy đủ hơn các nhóm khác.
Các ví dụ:
(1) Mặt hàng thảm dệt đã được chần, được sử dụng trong xe ôtô, không được phân loại như là phụ kiện của xe ô tô thuộc nhóm 87.08, trong nhóm 57.03 chúng được mô tả một cách đặc trưng như những tấm thảm. Do vậy, mặt hàng này được phân loại vào nhóm 57.03.
(2) Mặt hàng kính an toàn chưa có khung, làm bằng thủy tinh dai bền và cán mỏng, đã tạo hình và được sử dụng trên máy bay, không được phân loại vào nhóm 88.03 như những bộ phận của hàng hóa thuộc nhóm 88.01 hoặc 88.02 nhưng lại được phân loại trong nhóm 70.07, nơi hàng hóa được mô tả đặc trưng như loại hàng kính an toàn.
(V) Tuy nhiên, khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến một phần những nguyên liệu hoặc chất cấu thành sản phẩm hỗn hợp hoặc hợp chất, hoặc chỉ liên quan đến một phần trong bộ đóng gói để bán lẻ, thì những nhóm đó được coi là cùng phản ánh tương đương đặc trưng của những hàng hóa trên, ngay cả khi một trong số các nhóm ấy có mô tả chính xác hoặc đầy đủ hơn về những hàng hóa đó. Trong trường hợp này, phân loại hàng hóa áp dụng Qui tắc 3(b) hoặc 3(c).

Xem tiếp....                                                                         ....Trang trước