Nhập mã HS hoặc nhóm mã HS hoặc từ khóa để tìm kiếm trong trang.

Xuất khẩu rau quả ‘vào đà’ tăng trưởng mạnh sau kỷ lục của 2023

Lê Hoàng
(KTSG Online) – Sau kỷ lục xuất khẩu được thiết lập năm ngoái, mặt hàng rau quả tiếp tục giữ phong độ với mức tăng trưởng gần 90% của tháng đầu tiên năm 2024. Sự khởi đầu lạc quan này, ngành nông nghiệp cũng kỳ vọng xuất khẩu rau quả sẽ mang về hàng tỉ đô la ngoại tệ trong năm nay. Thậm chí, nếu duy trì đà tăng trưởng này thì rau quả được dự báo có thể vươn lên vượt xuất khẩu các ngành có kim ngạch lớn khác trong vài năm tới.
 
Sầu riêng là loại trái cây đang mang về ngoại tệ lớn nhất kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh chăm sóc vườn sầu riêng ở Đắk Lắk. TL

Tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng xe container vẫn ùn ùn chở nông sản chạy lên cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Trong đó, xe chở mặt hàng rau quả được ghi nhận tăng mạnh.

Thống kê của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho thấy chỉ riêng ngày 30-1 vừa qua có 1.400 xe hàng hóa đi qua trên địa bàn tỉnh, trong đó phương tiện chở rau quả xuất khẩu lên đến 305 xe. Các doanh nghiệp rau quả và nông sản Việt tăng lượng xe xuất khẩu trong những ngày này nhằm phục vụ Tết Nguyên đán ở thị trường hơn 1,4 tỉ dân này.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), do xung đột Biển Đỏ nên hàng hóa từ châu Âu, châu Mỹ về Trung Quốc bị trễ và tăng chi phí. Do đó, Trung Quốc có thể thiếu rau quả trong dịp Tết Nguyên đán này. Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng thêm lượng và giá trị xuất khẩu rau quả.

Giá trị xuất khẩu ngành hàng rau quả Việt Nam năm 2023 lập kỷ lục với 5,6 tỉ đô la; trong đó riêng thị trường Trung Quốc chiếm 3,6 tỉ đô la, tăng hơn 138% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, Trung Quốc chiếm 65% thị phần rau quả của Việt Nam. Với vị trí địa lý gần, nên vùng trồng rau quả Việt Nam rất tiềm năng để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về cơ cấu mặt hàng, sầu riêng Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tạo đột phá xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới. Trong tháng 1-2024 đã có 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trên thực tế, nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng cao khiến cho giá thu mua trong nước cũng đang bị đẩy lên. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này, mua tại vườn hiện lập đỉnh mới với 180.000 – 200.000 đồng/kg.

Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao là nhờ một số nghị định thư đã ký với nước này trong năm 2022, đặc biệt là nghị định thư xuất khẩu sầu riêng.

Thái Lan từng là nhà cung cấp 100% sầu riêng nhập khẩu cho thị trường Trung Quốc. Nhưng từ năm 2022, khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam thì thị phần sầu riêng Thái Lan ở thị trường này đã giảm xuống 95%. Đến năm 2023, sầu riêng Việt Nam từ chỗ chỉ chiếm 5% (năm 2022) thị phần ở thị trường Trung Quốc đã tăng lên 30% (năm 2023).

Ở thời điểm Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất nhập khẩu sầu riêng chính ngạch thì dự báo giá trị của trái cây này chỉ đạt hơn 1 tỉ đô la. Tuy nhiên kết thúc năm 2023 tổng giá trị của mặt hàng này đã đạt gần gấp đôi. Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi ở Việt Nam được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.

 
Thanh long cũng là loại trái cây mà Việt Nam xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa: Maap Trade

Kết quả khả quan của sầu riêng cũng ngành nông nghiệp cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở ra hướng đi bền vững, chính ngạch cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Trong cơ cấu xuất khẩu hàng rau quả, Trung Quốc còn chi nhiều tiền nhập khẩu trái thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây… của Việt Nam.

Kỳ vọng xuất khẩu sẽ theo đà tăng mạnh

Sầu riêng vẫn là mặt hàng được kỳ vọng tạo đột biến trong xuất khẩu nông sản trong năm nay. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 còn ghi nhận tăng cao ở các thị trường như Canada, Mỹ, Papua New Guinea tăng lần lượt từ 222% đến 800%. Cộng hòa Czech, nơi có cộng đồng người Việt lớn cũng ghi nhận mức tăng gần 28,2% so với năm liền kề trước đó.

Đáng chú ý, Thái Lan được biết đến là quốc gia trồng và xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới cũng đã chi 96,9 triệu đô la để mua sầu riêng Việt Nam trong tháng 11-2023. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vì nền kinh tế hơn 100 triệu dân thu hoạch sầu riêng quanh năm, trong khi Thái Lan thu hoạch theo mùa nên Thái Lan đã phải nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam.

Mặt hàng rau quả có dư địa xuất khẩu kỷ lục trong năm 2023 và nhu cầu đơn hàng nhộn nhịp ngay từ tháng đầu năm đang tạo nên sự lạc quan nhiều doanh nghiệp thời gian tới. Tổng Thư ký Vinafruit Đặng Phúc Nguyên cho biết, năm 2024 đặt mục tiêu đạt doanh thu sầu riêng 3,5 tỉ đô la, tăng 55% so với 2023 khi thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc. Từ đó, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả lên 5,6 tỉ đô la.

Theo Bộ Công thương, hiện nay, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTAs) Việt Nam với nhiều nước, điều này đã hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu hàng rau quả.

"Ngoài Trung Quốc, trong năm 2023, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng như: Mỹ đạt 257,8 triệu đô la (tăng 4%); Hàn Quốc đạt 225,8 triệu đô la (tăng 24,9%); Nhật Bản đạt 176,2 triệu đô la, tăng 6,7% so với năm 2022."

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1/2024 đạt khoảng 458,741 triệu đô la, tăng 89,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm cũng nhen nhóm hy vọng tăng trưởng cho ngành rau quả.

Bên cạnh thị trường tỉ dân của Trung Quốc, thị trường Mỹ đã mở cửa cho trái bưởi, trái dừa Việt Nam. Những yếu tố này giúp việc xuất khẩu trái cây vào thị trường này trong năm qua tăng khoảng 30% so với năm trước. Cùng với đó, bưởi, chanh đã vào được thị trường New Zealand… góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng vượt bậc.

Việc có mặt ở hầu hết những thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới, mở ra nhiều cơ hội phía trước.

Đáng chú ý, ngay từ đầu năm Việt Nam đã có 6 tấn xoài tượng xanh được xuất khẩu bằng đường hàng không sang thị trường Mỹ và Úc. Điều này mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu mặt hàng này khi Việt Nam là nước trồng xoài lớn thứ 13 thế giới với tổng diện tích khoảng 100.000 hecta, sản lượng gần 1 triệu tấn tấn mỗi năm.

 
Trải bưởi ngày càng có lượng xuất khẩu nhiều. Ảnh minh họa: TL

Hàng chục nghìn hecta dừa đang được nông dân trồng theo hướng hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp để đáp ứng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đồng thời cũng đón đầu cơ hội từ thị trường chính ngạch Trung Quốc.

Dự kiến sẽ có khoảng gần 20 tấn bưởi Diễn của tỉnh Hòa Bình đạt chất lượng, đủ đóng thành 1 container tiếp tục được xuất khẩu đi thị trường Mỹ ngay trong dịp Tết năm nay. Như vậy, sau chuyến bưởi Diễn đầu tiên của địa phương xuất khẩu đến Mỹ hồi năm ngoái với trọng lượng 16 tấn thì đến nay quả bưởi Diễn tiếp tục xuất ngoại.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, hiện công ty đã xuất khẩu nhiều mặt hàng thành công sang thị trường Mỹ như bưởi da xanh, thanh long, xoài, chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa, dừa… Điều này đã tạo nền móng vững chắc để xây dựng thương hiệu cho các nông sản đặc sắc Việt Nam đi xa hơn trên thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành hàng rau quả có tiềm năng để có thể đạt kỷ lục mới là 6,5 tỉ đô la trong năm nay. Theo các chuyên gia, để đạt được kỷ lục này ngành hàng rau quả cần tiếp tục nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc nhằm tận dụng được những cơ hội xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn trong ngành rau quả cũng phải thể hiện rõ thực lực và tham vọng lớn của mình để giúp cho kim ngạch xuất khẩu rau quả ngày càng tăng mạnh một cách rõ rệt. Các doanh nghiệp, HTX, nông dân trong ngành hàng rau quả phải hướng đến liên kết phát triển bền vững hơn nữa.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, vị trí cao về sản lượng đã không còn nhiều ý nghĩa mà thị trường đang cần những sản phẩm có giá trị về chất lượng. Sản xuất nông sản không phá rừng, nông sản carbon thấp… sẽ là hướng đi để tăng giá trị và thương hiệu cho Việt Nam.