Nhập mã HS hoặc nhóm mã HS hoặc từ khóa để tìm kiếm trong trang.

Thủ tục nhập khẩu xe ô tô điện về Việt Nam mới nhất hiện nay

Xe điện là loại hình phương tiện được phép nhập khẩu nhưng phải tuân thủ các quy định của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, để hoàn thiện thủ tục nhập khẩu xe ô tô điện, đơn vị thực hiện cần chuẩn bị hồ sơ, giấy phép liên quan và tuân thủ các chính sách về thuế.
Mục lục

Thông tư 41/2018/TT-BGTVT ban hành ngày 30/7/2018 đã hướng dẫn quy trình làm thủ tục hải quan nhập khẩu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có xe ô tô (bao gồm ô tô điện). Theo đó, đơn vị thực hiện phải đảm bảo đầy đủ thủ tục nhập khẩu xe ô tô điện gồm đăng ký kiểm tra chất lượng và công bố hợp quy. Đây là quy trình đòi hỏi thời gian để chuẩn bị giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật và có sự cấp phép của đơn vị chức năng.

Thủ tục nhập khẩu xe ô tô điện đầy đủ thì sẽ được phép lưu hành tại Việt Nam
 
Xe điện nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam nếu thực hiện đầy đủ thủ tục hải quan (Nguồn: Sưu tầm)

1. Chuẩn bị thủ tục nhập khẩu ô tô điện

Căn cứ Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, để nhập khẩu ô tô điện, doanh nghiệp cần hoàn thiện hồ sơ với các loại giấy tờ, hợp đồng chứng thực nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Hồ sơ bao gồm:

  • Tờ khai hải quan: Doanh nghiệp cần chuẩn bị 2 bản chính và khai báo đầy đủ thông tin chi tiết về lô hàng/phương tiện trước khi nhập khẩu xe vào lãnh thổ Việt Nam.
  • Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương: 1 bản. Hóa đơn chứng thực người mua thanh toán cho người bán.
  • Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: Vận tải đơn là chứng từ, hợp đồng vận tải do đơn vị vận chuyển lập, ký và cấp cho đơn vị gửi hàng xác nhận quá trình tiếp nhận vận chuyển. Nói cách khác đây là biên lai, bằng chứng thể hiện sự sở hữu hàng hóa. 
  • Giấy phép nhập khẩu ô tô bao gồm những văn bản như:
    • Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô (theo mẫu số 05, Phụ lục II, Nghị định 116/2017/NĐ-CP).
    • Bản sao giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương đảm bảo tính pháp lý hợp quy. 
    • Bản sao tài liệu chứng minh doanh nghiệp có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô đủ điều kiện. 
    • Bản sao xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được thay mặt công ty sản xuất ô tô nước ngoài nhập khẩu xe về Việt Nam. 
  • Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với xe cơ giới nhập khẩu gồm: 
    • Giấy đăng ký kiểm tra xe cơ giới có ghi rõ các thông tin: số khung, số động cơ và năm sản xuất.
    • Bản sao chụp chứng từ nhập khẩu xe cơ giới có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.
    • Bản sao chụp tài liệu có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu thể hiện thông số kỹ thuật, tính năng của xe cơ giới.
    • Đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng, ngoài các tài liệu trên, đơn vị nhập khẩu cần bổ sung: giấy chứng nhận đăng ký hoặc giấy tờ tương đương, giấy chứng nhận lưu hành hoặc giấy tờ tương đương. 
  • Chứng từ chứng minh đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu ô tô: Nộp cho lần nhập khẩu xe ô tô đầu tiên. 
  • Tờ khai trị giá hàng hóa nhập khẩu: Khai trị giá hàng hóa nhập khẩu theo mẫu với cơ quan hải quan.
  • Tờ khai hàng hóa nhập khẩu: Còn được gọi là tờ khai thông quan, chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng nhận hàng hóa đã được cấp phép nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam. 
  • Giấy uỷ quyền của nhà sản xuất cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu xe: Là văn bản thể hiện thỏa thuận của các bên về nghĩa vụ thực hiện các thủ tục nhập khẩu xe.
  • Giấy công bố chứng nhận hợp quy: Nhằm đánh giá, xác nhận chất lượng sản phẩm, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Khi đạt chứng nhận này, các tổ chức sẽ thực hiện công bố xe ô tô thuộc diện hợp quy. 
Thủ tục nhập khẩu ô tô điện về Việt Nam gồm các giấy chứng thực gốc và chất lượng sản phẩm
 
Thủ tục nhập khẩu ô tô điện về Việt Nam gồm các giấy tờ chứng thực nguồn gốc và chất lượng sản phẩm (Nguồn: Sưu tầm)

Trong trường hợp các đơn vị không đủ giấy tờ hoặc không thực hiện thủ tục nhập khẩu xe ô tô điện như trên, phương tiện sẽ không đủ điều kiện thương mại hoá và vận hành tại Việt Nam.

2. Chính sách thuế nhập khẩu ô tô điện

Thuế nhập khẩu ô tô điện là loại thuế mà Quốc gia đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam. Hiện nay, mức thuế áp dụng với ô tô điện sản xuất, lắp ráp tại nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam như sau:

  • Đối với ô tô điện nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN: Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 1/1/2018, mức thuế nhập khẩu ô tô điện là 0% với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối ASEAN từ 40% trở lên.
  • Đối với ô tô điện tại các quốc gia khác ngoài khối ASEAN: Mức thuế dành cho xe nhập khẩu là 70-80%. Tuy nhiên, sau khi ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA), Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu. Cụ thể xe có phân khối lớn hơn 2.500cc giảm về 0% sau 9 năm; xe có phân khối dưới 2.500cc giảm về 0% sau 10 năm. 

Trên thực tế, hiện nay xe ô tô điện nhập khẩu từ Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang chịu mức thuế nhập khẩu từ 56-74% giá trị xe. Ngoài ra, khi nhập khẩu xe ô tô điện về Việt Nam, doanh nghiệp còn chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ, các loại phí kiểm định, bảo trì đường bộ, đăng kiểm và bảo hiểm.

Thuế nhập khẩu ô tô điện nguyên chiếc từ các quốc gia  ngoài ASEAN
 
Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các quốc gia ngoài ASEAN là 74% giá trị xe (Nguồn: Sưu tầm)

Do sản xuất trong nước nên ô tô điện của VinFast không phải chịu thuế nhập khẩu, điều này góp phần tối ưu chi phí xe và mang đến nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.

3. Một số câu hỏi thường gặp về thủ tục nhập khẩu xe ô tô điện 

Điều kiện thông quan của ô tô điện nhập khẩu là gì?

Ô tô điện nhập khẩu hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa khi được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp một trong 2 loại giấy tờ sau:

  • Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới nhập khẩu. 
  • Thông báo miễn kiểm tra theo quy định.

Thời hạn kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng ô tô nhập khẩu bao lâu?

Thời hạn kiểm tra chất lượng và cấp giấy chứng nhận chất lượng ô tô nhập khẩu là 10 ngày làm việc. Đây là thời gian tính từ ngày kết thúc việc kiểm tra xe tại địa điểm đã đăng ký ghi trong Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới nhập khẩu.

Thủ tục nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng cần đảm bảo điều kiện gì?

Theo Thông tư liên tịch số 03/2006 của Bộ Thương mại – Bộ Giao thông Vận tải – Bộ Tài chính – Bộ Công an ngày 31/03/2006, thủ tục với xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng phải đảm bảo các điều kiện: 

  • Sản xuất dưới 5 năm tính đến thời điểm ô tô đến cảng Việt Nam
  • Đăng ký tối thiểu 6 tháng và chạy được tối thiểu 10.000km
  • Không có tay lái nghịch (tay lái ở bên phải)
  • Ô tô không được tháo rời hoặc thay đổi kết cấu 

Nhìn chung, thủ tục nhập khẩu xe ô tô điện đòi hỏi thời gian, sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Hơn nữa xe nhập khẩu sẽ phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, khi so sánh xe lắp ráp trong nước và xe ngoại nhập, lựa chọn ô tô điện sản xuất tại Việt Nam giúp khách hàng nhanh chóng sở hữu xe với chi phí tiết kiệm.